• Dược Liệu
  • Blog
  • Sản Phẩm
  • Thị Trường
  • Toplist

Dược Phẩm Học Viện Quân Y

Cát cánh (rễ): Loại thảo dược quý trong y học, có giá trị kinh tế cao

25/12/2022 by Dược Phẩm Học Viện Quân Y Leave a Comment

Cát cánh (rễ): Loại thảo dược quý trong y học, có giá trị kinh tế cao

Mô tả ngắn: Cát cánh được di thực vào nước ta. Trồng bằng hạt. Mọc khoẻ. Rễ to. Mọc hoang và được trồng ở Trung Quốc, Liên Xô cũ. Thường hái rễ ở những cây đã sống 4 – 5 năm. Cát cánh có công dụng chữa ho, tiêu đờm, viêm họng, hen suyễn khó thở, lỵ (rễ).

Tên thường gọi: Cát cánh
Tên gọi khác:
Tề Ni,
Khổ Ngạch,
Cánh Thảo,
Đô Ất La Sất,
Cát Tưởng Xử Hoặc Khổ Cánh,
Lư Như,
Lợi Như,
Phòng Đồ,
Phù Hổ Và Phương Đồ

Mục Lục Bài Viết

  • Mô Tả Dược Liệu
    • Tên gọi, danh pháp
    • Đặc điểm tự nhiên
    • Phân bố, thu hái, chế biến
    • Bộ phận sử dụng
  • Thành Phần Hóa Học Của Cát cánh
  • Tác Dụng Dược Lý Của Cát cánh
    • Theo y học cổ truyền
    • Theo y học hiện đại
  • Liều Dùng, Cách Dùng Của Cát cánh
  • Lưu Ý Khi Sử Dụng Cát cánh
  • Bài Thuốc Có Cát cánh
  • Nguồn Tham Khảo

Mô Tả Dược Liệu

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cát cánh.

Tên khác: Tề ni; Khổ ngạch; Bạch dược; Cánh thảo; Mộc tiện; Đô ất la sất; Cát tưởng xử hoặc Khổ cánh; Lư như; Lợi như; Phòng đồ; Phù hổ và Phương đồ.

Tên khoa học: Platycodon grandiflorum hay Platycodon grandiflorus

Họ: Hoa chuông (Campanulaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cát cánh
Cát cánh

Cát cánh là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm. Thân cao chừng 60 cm – 90 cm.

Lá gần như không có cuống; lá phía dưới mọc đối hoặc mọc vòng 3 – 4 lá. Phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to. Lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le, dài từ 3 – 6 cm, rộng 1 – 2,5 cm.

Hoa mọc đơn độc hoặc thành bông thưa. Đài màu xanh, hình chuông rộng, dài 1 cm, mép có 5 răng; tràng hoa hình chuông, màu lam tím hay màu trắng, đường kính 3 – 5 cm.

Quả hình trứng ngược.

Mùa hoa tháng 5 – 8, mùa quả tháng 7 – 9.

Rễ hình trụ thuôn dần về phía dưới hoặc có dạng hình trụ nhỏ và dài, hơi vặn xoăn lại, đôi khi phân nhánh, dài 7 cm đến 20 cm, đường kính 0,7 cm đến 2 cm. Phần đỉnh rễ còn sót lại một đoạn ngắn của thân rễ mang nhiều sẹo nhỏ là vết tích của gốc thân. Mặt ngoài màu vàng nhạt hay vàng nâu nhạt, có nhiều rãnh nhăn nheo theo chiều dọc và những nếp nhăn ngang. Thể chất giòn, mặt bẻ không phẳng. Mặt cắt ngang có phần vỏ màu trắng hoặc hơi vàng, phần gỗ màu trắng ngà hoặc nâu nhạt; tầng phát sinh libe – gỗ thành vòng rõ, màu nâu, nâu nhạt. Không mùi hoặc có mùi đường cháy nhẹ, vị ngọt sau hơi đắng.

Dược liệu thái lát: Các phiến mỏng, hình tròn hoặc không đều, thường có vỏ còn sót lại. Mặt cắt có phần ngoài màu trắng nhạt, tương đối hẹp, hình thành tầng vân mỏng màu nâu nhạt. Phần gỗ rộng có nhiều khe nứt. Chất giòn, dễ bẻ gãy, mùi thơm nhẹ, vị ngọt, sau đắng. Khi dùng chích gừng.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây được di thực vào nước ta. Trồng bằng hạt. Mọc khoẻ. Rễ to. Mọc hoang và được trồng ở Trung Quốc, Liên Xô cũ. Thường hái rễ ở những cây đã sống 4 – 5 năm.

Hái vào mùa thu, đông hoăc mùa xuân. Mùa thu – đông tốt hơn. Đào lấy rễ, cắt bỏ đầu rễ và rễ con, rửa sạch, để ráo nước hoặc ủ khoảng 12 giờ, thái lát mỏng phơi hay sấy khô.

Bộ phận sử dụng

Rễ đào vào mùa đông, lúc cây tàn lụi. Ở những cây đã trồng được 2 năm (vùng cao) hoặc một năm (vùng đồng bằng) loại bỏ thân, lá, rễ con, rửa sạch đất cát. Cạo bỏ lớp vỏ ngoài rồi phơi hay sấy khô. Rễ hình trụ có khi phân nhánh dài 5 – 13 cm, đường kính 1 – 2 cm. Mặt ngoài màu trắng ngà có những nếp nhăn dọc, có vết sẹo của rễ con, vị đắng. Rễ Cát cánh dễ bị mốc mọt, cần bảo quản nơi khô ráo.

Cát cánh chữa bệnh
Rễ Cát cánh phơi khô thái phiến

Thành Phần
Hóa Học Của Cát cánh

Trong rễ cát cánh có khoảng 2% kikyosaponin C29H48O11 là một chất saponin vô định hình. Kikyosaponin thêm axit và đun sôi sẽ cho kikyosapogenIn C23H38O5 và một phân tử galactose. Ngoài ra còn có phytosterola C27H46O và inulin.

Sự nghiên cứu mới đây chứng minh trong lá, hoa, và thân, cành Cát cánh đều có chứa saponin. Saponin này có tác dụng phá huyết mạnh hơn saponin trong rễ, kikyosapogenin có tác dụng phá huyết mạnh gấp 2 lần sapogenin của viễn chí (Polygala senega).

Tác Dụng Dược
Lý Của Cát cánh

Theo y học cổ truyền

Ôn hóa hàn đàm, trừ mủ, lợi hầu họng.

Chủ trị: Ho đờm nhiều, ngực tức, họng đau, tiếng khàn, áp xe phổi, tiêu mủ, mụn nhọt.

Cát cánh trị ho đờm, đau họng
Rễ cát cánh trị ho đờm nhiều, đau họng.

Theo y học hiện đại

Kikyosapogenin có tác dụng phá huyết, tiêu đờm và long đờm. Theo Trung Hoa y học tạp chí (1952) uống Cát cánh thấy tác dụng tiêu đờm rõ rệt trên lâm sàng.

Dùng thuốc sắc 25% bán hạ, viễn chí và Cát cánh (4 ml = 1 g) cho vào miệng chó đánh mê với liều 1 g/kg thể trọng, theo dõi sự phân tiết ở đường hô hấp thì thấy Cát cánh có tác dụng tăng cường sự phân tiết ở đường hô hấp.

Tác dụng trừ đờm của Cát cánh chủ yếu do chất saponin: Khi uống chất saponin gây kích thích niêm mạc cổ họng và dạ dày đưa đến phản xạ tăng phân tiết ở đường hô hấp làm cho đờm loãng ra và dễ tống ra ngoài.

Saponin của Cát cánh có tác dụng phá huyết cao: Pha loãng 1/10.000 vẫn còn tác dụng phá huyết. Tác dụng phá huyết này mạnh gấp 2 lần saponin của viễn chí.

Liều Dùng, Cách
Dùng Của Cát cánh

Cát cánh có vị hơi ngọt sau đắng, hơi cay, tính bình, có tác dụng thông khí phế, tiêu đờm, làm cho mủ độc vỡ ra ngoài.

Cát cánh chữa ho có đờm hôi tanh, viêm đau họng, khản tiếng, hen suyễn, tức ngực, khó thở, nhọt ở phổi, kiết lỵ. Theo tài liệu cổ, cây còn chữa ngực tức đau và ho ra máu. Ngày dùng 3 – 12 g, dạng sắc thuốc. Phụ nữ có thai cẩn thận khi dùng.

Theo tài liệu nước ngoài, Cát cánh được dùng trong y học Trung Quốc làm thuốc long đờm, chữa ho, một số bệnh về phổi và phế quản khác nhau. Ngày dùng 10 – 20g dạng thuốc sắc. Cát cánh có trong thành phần của thuốc mỡ dùng ngoài để điều trị một số bệnh ngoài da. Phối hợp với nhiều vịt thuốc khác để điều trị viêm ruột thừa.

Ở Nhật Bản, Cát cánh dùng chữa đau họng, viêm phế quản, ho có đờm, mụn nhọt và một số bệnh khác.

Ở Ấn Độ, rễ Cát cánh là vị thuốc quan trọng dùng làm thuốc long đờm, thuốc bổ, thuốc làm săn, thuốc gây trung tiện, chữa đầy bụng. Đôi khi có được nhai nuốt nước hoặc dùng dạng thuốc sắc phối hợp với cam thảo.

Lưu Ý Khi Sử Dụng Cát cánh

Những người âm hư mà ho thì không dùng được.

Bài Thuốc Có Cát cánh

Cát cánh cam thảo thang chữa ho tiêu đờm

Cát cánh 4 g, cam thảo 8 g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống trong ngày: Chữa ho, tiêu đờm (đơn thuốc của Trường Trọng Cảnh).

Đơn khác có Cát cánh: Cát cánh, kinh giới, bách bộ, mỗi vị 200 g, cam thảo 60 g, trần bì 100 g. Các vị tán nhỏ trộn đều, ngày uống 3 – 9 g bột này, chia làm 3 lần uống vào sau 2 bữa ăn và trước khi đi ngủ, mỗi lần 1 – 3 g. Có thể chế thành cao lỏng.

Chữa cam răng, miệng hôi

Cát cánh, hồi hương tán nhỏ trộn đều bôi vào nơi cam răng đã rửa sạch.

Chữa cảm ngoại trong lạnh ngoài nóng, sợ rét, không khát, chân tay lạnh, tiêu chảy ra phân sống

Cát cánh 5,7 g, bán hạ 7,5 g, thương truật 2,8 g, trần bì 2,3 g, can khương 1,5 g, hậu phác 1,5 g, nhục quế 1,2 g, bạch linh 1,2 g, bạch chỉ 1,2 g, xuyên khung 1,2 g, đương quy 1,2 g, bạch thược 1,2 g, cam thảo 1,2 g (Bài ngũ tích tán).

Chữa xuất huyết não, sung huyết não trên cơ sở xơ cứng mạch máu não, có liệt nửa người và mất tiếng hoàn toàn hoặc không hoàn toàn

Cát cánh 3 g, hoàng kỳ 15,5 g, long đờm 10 g, sinh địa 15,5 g, đương quy 6 g, bạch thược 6 g, hạt mơ 10 g, hồng hoa 3 g, phòng phong 3 g, cam thảo 3 g, nước 800 ml. Sắc còn 450 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày, dùng trong 2 – 3 tháng.

Chữa viêm não Nhật Bản B

Cát cánh 4,5 g, liên kiều 10 g, cam thảo 6 g, hoàng cầm 6 g, bạc hà 1,5 g, dành dành 5 g, thạch cao 31 g, kim ngân 10 g, thanh cao 6 g, cúc hoa 10 g, nước 300 ml. Đun sôi trong 20 phút, uống hết 1 lần.

Chữa một số bệnh ngoài da

Cát cánh 6 g, cam thảo 4 g, gừng 2 g, táo chua (quả) 5 g, nước 600 ml. Sắc còn 300 ml, chia 3 lần uống trong ngày. Bài này dùng cùng thuốc mỡ bôi.

Nguồn Tham Khảo

1. Dược điển Việt Nam: https://duocdienvietnam.com/cat-canh-re/

2. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/cat-canh.html

3. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1)

Bài viết liên quan

cây thanh táo
Thanh táo: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh
thanh bì
Thanh bì: Vị thuốc dân gian quen thuộc từ vỏ quýt xanh
Thăng ma - Cimicifuga foetida L. 1
Thăng ma: Loài dược liệu có nhiều công dụng

Filed Under: Dược Liệu

Bài viết trước: « Cát Căn (Củ Sắn Dây): Dược liệu phổ biến giúp giải nhiệt, làm mát cơ thể
Bài viết tiếp theo: Cát sâm: Thảo dược thanh nhiệt, nhuận phế vùng đồi núi »

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Bài viết mới

  • Thanh táo: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh
  • Thanh bì: Vị thuốc dân gian quen thuộc từ vỏ quýt xanh
  • Thăng ma: Loài dược liệu có nhiều công dụng
  • Thài lài trắng: Vị thuốc Đông y có nhiều tác dụng chữa bệnh
  • Thạch tín: Loại khoáng vật rất độc
  • Thạch sùng: Dược liệu chứa nhiều công dụng chữa bệnh
  • Thạch quyết minh: Vị thuốc quý từ vỏ bào ngư của Việt Nam
  • Thạch lựu bì: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh
  • Thạch hộc: Dược liệu vừa làm thuốc vừa làm cây cảnh
  • Thạch cao: Khoáng chất chứa nhiều công dụng

Chuyên mục

  • Blog
  • Dược Liệu
  • Giải Ngố
  • Sản Phẩm
  • Thị Trường

Copyright © 2023 · Paradise on Genesis Framework · WordPress · Log in