Cốt toái bổ (thân rễ): Loài thực vật với nhiều công dụng chữa bệnh
Mô tả ngắn: Ở Việt Nam, cốt toái bổ mọc hoang ở khắp núi đá, trên cây hay dọc suối vùng rừng núi. Thân rễ/củ của loài thực vật này có rất nhiều tác dụng và đã được ứng dụng trong cả Đông y lẫn Tây y ngày nay.
Bổ Cốt Toái,
Co Tạng Tố,
Co In Tó
Mô Tả Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Cổt toái bổ
Tên khác: Bổ cốt toái; Co tạng tố; Co in tó
Tên khoa học: Drynaria fortunei (Kuntze ex Mett.) J.Sm
Họ: Polypodiaceae (Dương xỉ)
Đặc điểm tự nhiên
Cổt toái bổ thường sinh sống ở các hốc đá, mọc trên những đám rêu, hoặc sống trên các thân cây lớn như cây đa, cây si. Cổt toái bổ có tuổi đời lâu năm, có thân rễ dày mẫm, phủ nhiều vẩy màu vàng, bóng. Có hai loại lá: Lá bất thụ, không cuống màu nâu, hình trứng 5 – 8 cm, rộng 3 – 6 cm, phía cuống hình tim, có thùy, gân nổi rõ. Lá hữu thụ, màu xanh nhẵn, đơn xẻ thùy lông chim, dài 25 – 40 cm, cuống có dìa, cỏ thùy thuôn, tù ở đầu, dài 5 – 6 cm, có mạng, ổ tử nang nhiều, xếp thành một hàng ở mỗi bên gân chính, hình tròn, không có áo tử nang.
Ở Việt Nam có mấy loài cốt toái bổ đều được dùng làm thuốc như Drynaria fortunei J. Sm., Drynaria bonii Christ. Drynaria fortunei có lá xẻ răng cưa, bào tử xếp đều đặn, còn Drynaria bonii có lá mép lượn sóng, bào tử xếp không đều.

Phân bố, thu hái, chế biến
Mọc hoang ở khắp núi đá, trên cây hay dọc suối vùng rừng núi nước ta. Còn có mọc ở Lào, Trung Quốc (miền Trung và miền Nam). Việc thu hái có thể tiến hành quanh năm, vào những lúc ít công việc đồng áng, thường vào các tháng 4 đến tháng 8 – 9.
Chọn thân rễ già, cắt bỏ rễ con và phần lá còn sót lại, rửa sạch đất cát, lấy loại to, cắt thành từng đoạn phơi hoặc sấy khô. Nếu dùng khô thì sau khi rửa sạch đất cát, hoặc phơi khô ngay, hoặc phơi sau khi đỗ cho chín để dễ bảo quản. Muốn hết lông, thường người ta đốt nhẹ cho cháy hết lông nhỏ phủ trên thân rễ.
Dược liệu có mặt ngoài nâu đỏ hay nâu đen, có nhiều nếp nhăn dọc.
Bộ phận sử dụng
Thân rễ củ đã được phơi/sấy khô.
Thành Phần
Hóa Học Của Cổt toái bổ (Thân rễ)
Thân rễ cốt toái bổ chứa 25 – 34,89% glucose, hesperidin, 1,42% flavonoid toàn phần và 1% naringin.
Tác Dụng Dược
Lý Của Cổt toái bổ (Thân rễ)
Theo y học cổ truyền
Theo tài liệu cổ, cốt toái bổ có vị đắng, tính ôn và không độc, vào hai kinh can và thận. Có khả năng bổ thận, trị đau xương, hành huyết phá huyết ứ, làm thuốc hoà hoãn, sát trùng đỡ đau. Dùng chữa đập xương, đau xương, bong gân, sai khớp, tai ù răng đau, thận hư. Những người âm hư, huyết hư đều không dùng được.
Có thể dùng dưới hình thức thuốc sắc hay ngâm rượu, hoặc giã đắp lên vết thương.
Theo y học hiện đại
Cốt toái bổ có nhiều công dụng được ứng dụng trong Tây y:
-
Tác dụng giảm độc tính của kanamycin đối với tai trong. Tuy nhiên khi ngưng dùng tai điếc vẫn tiếp tục tiến triển (thực nghiệm trên chuột lang).
-
Làm giảm lipid máu và phòng ngừa chứng xơ vữa động mạch.
-
Tác dụng giảm đau và an thần.
-
Làm tăng nồng độ calci trong xương và máu, đồng thời nâng cao lượng phosphate trong cơ thể.
-
Tăng cường chức năng nội tiết sinh dục.
-
In vivo, cốt toái bổ có tác dụng chống viêm .
-
Nước sắc của cốt toái bổ 14% có tác dụng ổn định màng hồng cầu.

Liều Dùng, Cách
Dùng Của Cổt toái bổ (Thân rễ)
Dùng uống trong hay đắp ở ngoài. Liều dùng hàng ngày là 6 – 12 g. Dùng ngoài không có liều lượng.
Lưu Ý Khi Sử Dụng Cổt toái bổ (Thân rễ)
Không dùng cho người âm hư, huyết hư và không có thực nhiệt
Thận trọng khi dùng cho trường hợp thiếu máu kèm nội nhiệt và ứ máu.
Ráng bay (Drynaria quercifolia) và Tắc kè đá (Drynaria bonii Christ) cũng được thu hái để bào chế thành dược liệu cốt toái bổ. Do đó cần tránh nhầm lẫn khi lựa chọn nguyên liệu.
Bài Thuốc Có Cổt toái bổ (Thân rễ)
Đau nhức răng, thận hư yếu và tai ù:
Cho cốt toái bổ tán bột vào bầu dục lợn, nướng chín và dùng ăn trực tiếp.
Răng chảy máu, răng long và đau nhức răng do thận hư:
Bột cốt toái bổ một lượng vừa đủ xát vào chân răng.
Nếu bị nặng, có thể sắc uống, ngày dùng 1 thang: Cốt toái bổ 16 g, thục địa 16 g, tế tân 2 g, trạch tả, phục linh, sơn thù, đơn bì và sơn dược mỗi vị 12 g.
Gãy xương kín và chấn thương phần mềm:
Đem lượng bằng nhau lá sen tươi, quả bồ kết tươi, cốt toái bổ và lá trắc bá diệp tươi tán nhỏ, mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 12 g hãm với nước sôi uống hoặc giã và đắp ở ngoài.
Phòng ngừa nhiễm độc Streptomycin:
Cốt toái bổ 30 g sắc lấy nước, chia thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.

Đau lưng gối mỏi do thận hư yếu:
Sắc uống, dùng đều đặn hằng ngày: Đỗ trọng, cốt toái bổ và tỳ giải mỗi vị 16 g, thỏ ty tử, dây đau xương, rễ gối hạc và ngưu tất mỗi vị 12 g, cẩu tích 20 g, hoài sơn 20 g.
Viêm lợi chân răng, răng lung lay, chảy máu, gân cốt tổn thương:
Sắc lấy nước uống: Trắc bá diệp tươi, lá sen tươi và sinh địa mỗi vị 10 g, cốt toái bổ 15g.
Gãy xương lâu liền và chứng suy nhược cơ thể ở người cao tuổi:
Sắc thành nước uống: Mẫu lệ, tục đoạn, cốt toái bổ, cẩu tích, hoàng kỳ, đương quy và bạch truật mỗi vị 12 g, hoài sơn, đảng sâm và ba kích mỗi vị 16 g, thiên niên kiện 8 g.
Thấp khớp mạn tính thuộc thể nhiệt:
Sắc uống mỗi ngày 1 thang: Cam thảo 4 g, bạch chỉ 8 g, thổ phục linh, thiên hoa phấn, cốt toái bổ, thạch cao, độc hoạt, khương hoạt, kê huyết đằng, đan sâm, hy thiêm, sinh địa, uy linh tiên và rau má mỗi vị 12 g.
Máu tụ và bong gân do chấn thương:
Bỏ hết lá khô, lông tơ của rễ củ cốt toái bổ tươi, rửa cho sạch và giã nát. Rấp nước gói trong lá chuối đã nướng, sau đó đem đắp lên vùng đau nhức và bó lại.
Chứng khô miệng, toàn thân mệt mỏi, đầu nặng, chân tay bủn rủn, thận hư yếu:
Sắc lấy nước uống: Tang ký sinh, sâm bố chính, gạc nai nướng và củ mài mỗi vị 6 g, nhụy sen và mẫu đen mỗi vị 4 g, hà thủ ô đỏ 12 g và cốt toái bổ 6 g.
Bồi bổ gân xương:
Bột mẫu lệ, bột sừng hươu nai và bột cốt toái bổ mỗi vị 2 g. Làm thành viên uống, dùng đều đặn trong 3 – 4 tuần.
Nguồn Tham Khảo
1. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1)
2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi
3. http://vienduoclieu.org.vn/tttv/danh-muc-cay-thuoc/cong-trinh-nghien-cuu/Cot_toai_bo_Drynaria_fortunei_Kze_J_Sm_2980
4. https://tracuuduoclieu.vn/cot-toai-bo.html