Mâm xôi (quả): Thanh nhiệt và giàu dinh dưỡng
Mô tả ngắn: Mâm xôi thường được biết đến là loại trái cây giàu dinh dưỡng, vị ngọt. Ngoài ra quả mâm xôi và thân, rễ, lá đều có thể dùng làm thuốc. Trong y học cổ truyền, cây Mâm xôi có tác dụng hoạt huyết, thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa, quả có tác dụng bổ can thận, cường dương, tăng sinh lực.
Mô Tả Dược Liệu
Tên gọi, danh pháp
Tên Tiếng Việt: Mâm xôi (Quả).
Tên khác: Phúc bồn tử; Đùm đùm; Chúc xôi; Cơm xôi; Mắc hủ; Co hủ; Ghìm búa.
Tên khoa học: Rubus alceaefolius Poir., họ Rosaceae (Hoa hồng).
Đặc điểm tự nhiên
Cây mọc thành bụi nhỏ, thân leo, có gai, các cành mọc vươn dài và có nhiều lông phủ trên thân.
Lá đơn, hình bầu dục hoặc trứng, gần tròn, mọc so le. Lá chia nhiều thùy nông không đều, gân chân vịt, mép lá dạng răng không đều. Mặt trên lá màu lục sẫm hơn mặt dưới, phủ lông lởm chởm, mặt dưới có nhiều lông mềm mịn màu trắng xỉn. Cuống lá dài có gai. Lá kèm rụng sớm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu cành. Cụm hoa mọc thành chùm ngắn, hoa có lá bắc giống lá kèm. Hoa màu trắng, lá đài 5 có lông, cánh hoa 5 mỏng hình cầu, hoa nhiều nhị dài bằng cánh hoa.
Quả kép, hình cầu, màu đỏ khi chín, có thể ăn trực tiếp.

Phân bố, thu hái, chế biến
Chi Rubus L. có khoảng 50 loài, trong đó loài Rubus alceaefolius phân bố rộng khắp các tỉnh vùng núi thấp, trung du, đồng bằng. Cây Mâm xôi ưa ánh sáng, độ ẩm cao và thường mọc chùm lên các cây bụi ở ven rừng.

Bộ phận sử dụng
Quả chín.
Cành và lá phơi khô.
Thành Phần
Hóa Học Của Mâm xôi (Quả)
Quả Mâm xôi có các axit hữu cơ (chủ yếu axit citric, axit malic, axit salysilic) muối các axit này, đường và pectin. Lá chứa tanin.
Tác Dụng Dược
Lý Của Mâm xôi (Quả)
Theo y học cổ truyền
Lá, cành và rễ Mâm xôi có vị ngọt, nhạt, tính bình, tác dụng hoạt huyết, thanh nhiệt, tán ứ, chỉ huyết, kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.
Quả Mâm xôi có vị ngọt, tính bình được dùng thay vị phúc bồn tử trong y học cổ truyền, có tác dụng bổ gan thận, giữ tính khí, cường dương, tăng sức mạnh.
Theo y học hiện đại
Quả Mâm xôi có các tác dụng khác theo các nghiên cứu gần đây như:
- Chống oxy hóa, chống ung thư (nhờ chất axit ellagic);
- Điều hòa nhịp tim và huyết áp, tăng sản xuất hồng cầu;
- Cải thiện khả năng sinh sản (nhờ vitamin C và magie);
- Cải thiện tâm trạng và tăng cường trí nhớ;
- Giúp phục hồi mô và mạch máu;
- Chống viêm;
- Tăng miễn dịch;
- Bảo vệ mắt, duy trì thị lực;
- Tốt cho người đái tháo đường.
Liều Dùng, Cách
Dùng Của Mâm xôi (Quả)
Phơi khô quả, cành lá. Dùng liều 10-30 g tùy vào chỉ định.
Cách dùng có thể sắc hoặc hãm nước uống.
Lưu Ý Khi Sử Dụng Mâm xôi (Quả)
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Bài Thuốc Có Mâm xôi (Quả)
Dùng cho phụ nữ sau sanh mất nước, người ăn không tiêu, đầy bụng
Chuẩn bị: 10-20 g cành, lá phơi khô, thái nhỏ.
Thực hiện: Sao cho thơm rồi hãm như trà hoặc sắc nước uống trong ngày.
Dùng riêng hoặc phối hợp với lá khổ sâm.
Điều trị viêm gan mạn tính, viêm tuyến vú, viêm miệng
Chuẩn bị: 20-30 g cành, lá phơi khô, mộc thông 15 g, ô rô 15 g.
Thực hiện: Sắc với 400ml nước đến khi còn 100 ml, chia 2 lần uống trong ngày.
Chữa thận hư, liệt dương, di tinh, đái buốt:
Chuẩn bị: 20-30 g quả phơi khô, có thể phối hợp với ba kích, kim anh mỗi vị 10-15g.
Thực hiện: Sắc nước uống.
Ở Ấn Độ, quả đùm đũm chữa đái dầm ở trẻ em, nước sắc lá và vỏ thân chữa tiêu chảy.

Nguồn Tham Khảo
- https://tracuuduoclieu.vn/mam-xoi.html
- https://suckhoedoisong.vn/9-loi-ich-suc-khoe-cua-qua-mam-xoi-169124270.htm