• Dược Liệu
  • Blog
  • Sản Phẩm
  • Thị Trường
  • Toplist

Dược Phẩm Học Viện Quân Y

Sâm bố chính: Vị thuốc bồi bổ khí huyết cơ thể

05/01/2023 by Dược Phẩm Học Viện Quân Y Leave a Comment

Sâm bố chính: Vị thuốc bồi bổ khí huyết cơ thể

Mô tả ngắn: Sâm bố chính là cây thuốc Nam quý có công dụng chủ yếu hỗ trợ bồi bổ khí huyết cơ thể, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đường hô hấp. Vị thuốc quý này đã được nghiên cứu, khai thác, trồng và chăm sóc tại Việt Nam và trở thành loại sâm được đánh giá cao về dược tính.

Tên thường gọi: Sâm bố chính (Rễ)
Tên gọi khác:
Sâm Thổ Hào,
Sâm Báo,
Nhân Sâm Phú Yên

Mục Lục Bài Viết

  • Mô Tả Dược Liệu
    • Tên gọi, danh pháp
    • Đặc điểm tự nhiên
    • Phân bố, thu hái, chế biến
    • Bộ phận sử dụng
  • Thành Phần Hóa Học Của Sâm bố chính (Rễ)
  • Tác Dụng Dược Lý Của Sâm bố chính (Rễ)
    • Theo y học cổ truyền
    • Theo y học hiện đại
  • Liều Dùng, Cách Dùng Của Sâm bố chính (Rễ)
  • Lưu Ý Khi Sử Dụng Sâm bố chính (Rễ)
  • Bài Thuốc Có Sâm bố chính (Rễ)
  • Nguồn Tham Khảo

Mô Tả Dược Liệu

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Sâm bố chính.

Tên gọi khác: Thổ hào sâm, Sâm núi, Sâm báo.

Tên khoa học: Abelmoschus Sagittifolius (Kurz) Merr. Họ Cẩm quỳ (Malvaceae), được (Kurz) Merr. miêu tả khoa học đầu tiên vào năm 1924.

Đặc điểm tự nhiên

Sâm bố chính là một loại cây thân thảo sống dai, mọc đứng, thân khá yếu ớt, có khi dựa vào các cây xung quanh, cao từ 0,3m đến 1m. Rễ mầm màu trắng nhạt hay vàng nhạt, có đường kính 1,5 – 2cm, nhiều rễ có hình người trông rất giống Nhân sâm, có lẽ vì thế nên trong dân gian đã sử dụng và thấy loại thảo dược này có dược tính tốt như các loại cây sâm khác.

Lá dài 6 – 7cm, rộng 30mm. Lá ở phía gốc cây hình bầu dục, không xẻ, phần cuối phiến lá hình tim hay hình mũi tên, đầu phiến lá không nhọn. Các lá ở phía ngọn càng lên trên càng hẹp, có phiến lá chia thuỳ với thuỳ giữa dài hơn, có phiến lá chia thuỳ trông như mũi tên. Mặt lá có lông đơn hay hình sao, lá kèn hình sợi chỉ dài 7mm có ít lông dài.

Cây ra hoa vào tháng 6 – 7. Hoa màu hồng hay đỏ, pha ít ánh vàng, mọc đơn độc ở nách lá, đường kính tới 8cm. Cuống hoa dài 5 – 8cm, có lông cứng, hơi phồng phần đầu. Tiểu đài cấu tạo bởi 7 – 10 bộ phận, dài 12 – 14mm, có lông tua tủa, đài hoa hình túi, ở ngọn có vài răng nhỏ, đài rách ra và rụng sớm, 5 cánh hoa dài 5 – 6cm, rộng 3 – 4cm ở ngọn. Nhiều nhị gắn liền với nhau thành một cột. Bao phấn phủ đỏ đến tận gốc. Bầu có lông, 5 vòi, có tuyến.

Quả hình trứng nhọn, dài gấp 3 lần tiểu đài, ngoài mặt có lông, khi chín, quả nứt thành 5 mảnh vỏ, mặt trong và mặt ngoài đều có lông.

Hạt hình quả thận, màu nâu, ngoài mặt có những đường vân rất khít nhau thành những gợn hay ụ màu vàng.

Sâm bố chính
Sâm bố chính

Phân bố, thu hái, chế biến

Sở dĩ có tên gọi là Sâm bố chính vì cây sâm này được phát hiện và sử dụng làm dược liệu đầu tiên ở Châu Bố Chính (nay là vùng Bố Trạch, Quảng Trạch). Đặc biệt, trước đây loại dược liệu này là một trong những sản vật quý được người Quảng Bình dùng để tiến vua chúa trong triều đình nhà Nguyễn ngày xưa bởi thế nó còn được gọi là “Sâm tiến vua”.

Hiện nay, Sâm bố chính mọc hoang và được trồng ở nhiều nơi ở Việt Nam. Miền Bắc có nhiều nhất ở các vùng núi huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Hương Sơn (Nghệ An, Hà Tĩnh). Một vài địa phương thuộc Quảng Bình, Hoà Bình và Tây Bắc.

Rễ Sâm bố chính đào vào các tháng 11 – 12 và tháng 1 – 2. Hiệu suất trung bình 6 tấn/ 1ha.

Bộ phận sử dụng

Rễ củ của cây Sâm bố chính được thu hái làm dược liệu.

Sau khi đào rễ về, có nhiều cách chế biến được áp dụng:

  • Cách 1: Cắt bỏ thân phía trên, cạo sạch vỏ ngoài, ngâm nước vo gạo một đêm, vớt ra để ráo, đồ cho chín rồi phơi nắng hoặc sấy khô để bảo quản.

  • Cách 2: Cắt bỏ thân phía trên, cạo sạch vỏ ngoài, ngày phơi đêm sấy cho thật khô rồi bảo quản.

  • Cách 3: Cắt bỏ thân và rễ con, rửa sạch ngâm vào nước phèn chua hai ngày hai đêm (300g phèn chua tán nhỏ, hòa tan vào nước, ngâm 10kg rễ). Rửa sạch rồi phơi nắng hay sấy khô bảo quản.

Rễ Sâm bố chỉnh 2
Rễ củ của Sâm bố chính dùng làm thuốc

Thành Phần
Hóa Học Của Sâm bố chính (Rễ)

Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, trong rễ Sâm Bố Chính chứa khoảng 30 – 45% là chất nhầy và tinh bột.

Nghiên cứu vào năm 2001 của Phó giáo sư – Tiến sĩ Trần Công Luận đã ghi nhận thêm các thành phần hóa học có trong rễ cây Sâm bố chính gồm coumarin, flavonoid, acid amin, acid hữu cơ, đường khử, phytosterol, sesquiterpen và hợp chất uronic. Protein là 1,26%, tinh bột là 15,14%, chất nhầy là 26,7% và lipid chiếm 3,96%, chủ yếu là các chất acid myristic, acid stearic, acid palmitic hay acid oleic,… Còn có 11 loại acid amin, 13 nguyên tố vi lượng như Na, Ca, Mg, Al,…

Tác Dụng Dược
Lý Của Sâm bố chính (Rễ)

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh

Rễ Sâm bố chính có vị ngọt, hơi nhớt, tính bình.

Quy vào hai kinh Tỳ và Phế.

Công năng, chủ trị

Công dụng: Bổ khí, ích huyết, chỉ khát, sinh tân dịch; sao với gạo thì tính ấm, bổ Tỳ Vị, giúp kiện Tỳ, dưỡng Vị, hỗ trợ công năng tiêu hóa.

Chủ trị: Chữa cơ thể suy nhược, ít ngủ, hư lao, kém ăn, trẻ em cam tích, gầy còm chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, viêm họng, viêm phế quản, kinh nguyệt không đều, đau lưng, đau mình, hoa mắt, chóng mặt, khí huyết hư suy.

Theo y học hiện đại

Tác dụng an thần

Bằng đường uống hoặc tiêm dưới da, cao cồn Sâm bố Chính có tác dụng gây giảm hoạt động tự nhiên của chuột nhắt trắng, đối kháng với tác dụng tăng hoạt động của amphetamin, kéo dài thời gian gây ngủ bởi thuốc ngủ barbituric và chống co giật gây bởi pentetrazol. Điều đó chứng tỏ Sâm bố chính có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, an thần.

Hoạt chất chống oxy hóa, kháng khuẩn và ức chế u

Một nghiên cứu cho thấy các chất chiết xuất từ ​​hạt và lá của Sâm bố chính có hoạt tính chống oxy hóa đáng kể. Và có thể dùng như chất ức chế gốc tự do. Cây có hoạt tính kháng khuẩn vừa phải chống lại một số chủng vi khuẩn. Chiết xuất của loại thảo dược này cũng thể hiện hoạt động chống tăng sinh hai dòng tế bào ung thư ở người là ung thư biểu mô tuyến trực tràng và u nguyên bào võng mạc.

Hỗ trợ điều trị đái tháo đường đề kháng insulin

Nghiên cứu cho thấy việc sử dụng chiết xuất Sâm bố chính trong 2 tuần làm tăng tín hiệu insulin qua thụ thể trung gian. Do đó, Sâm bố chính được đề xuất như một liệu pháp hỗ trợ có khả năng hữu ích cho bệnh nhân đái tháo đường đề kháng insulin. Cũng có thể sử dụng trên những đối tượng muốn tăng độ nhạy cảm với insulin.

Sâm bố chỉnh 3
Sâm bố chính giúp điều trị chóng mặt do cơ thể suy nhược

Liều Dùng, Cách
Dùng Của Sâm bố chính (Rễ)

Mỗi ngày từ 10 – 20g dạng thuốc sắc, bột hoặc rượu uống.

Lưu Ý Khi Sử Dụng Sâm bố chính (Rễ)

Người có thể trạng hư hàn phải tẩm nước gừng, sao kỹ.

Sâm bố chính là một loài cây có ngoại hình giống Nhân sâm nhưng tác dụng của nó thì hoàn toàn khác. Những thông tin trong bài viết có tính chất tham khảo. Khi muốn sử dụng Sâm bố chính để chữa bệnh, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền để được tư vấn và kê toa phù hợp.

Bài Thuốc Có Sâm bố chính (Rễ)

Chữa ra mồ hôi nhiều, chân tay quyết lạnh, người còn ấm

Sâm bố chính 20g, Hoàng kỳ 80g (tẩm nước phòng phong sao), Đương quy 20g (tẩm mật rượu sao), Phục linh 12g, Cam thảo chích 8g, Lộc nhung 8g. Sắc uống trong ngày.

Chữa gầy yếu hay béo bệu, kém ăn, mỏi mệt khí đoản, đầy bụng đi lỏng hoặc hư hỏa phát nóng, phiền khát

Sâm bố chính 40g, Bạch truật 20g (sao mật), Hoàng kỳ 8g (sao mật), Liên nhục 6g, Mạch môn 4g, Ngũ vị tử 4g (sao mật), Cam thảo chích 4g, Phục tử chế 1,2g, Đại táo vài quả, Gừng nướng vài lát. Sắc uống trong ngày.

Chữa tiêu hoá, bài tiết bị ngưng trệ

Sâm bố chính 20g, Bạch truật 40g (tẩm sữa sao), Trầm hương 4g. Sắc riêng Sâm bố chính và Bạch truật rồi mài Trầm hương vào, uống trong ngày.

Chữa trẻ em gầy còm xanh xao, tiêu phân lỏng kéo dài

Sâm bố chính sao chín 25g, Hoài sơn sao chín 30g, Ý dĩ sao chín 20g, Liên nhục sao chín 15g, Bạch chỉ sao chín 10g. Các vị đem tán nhỏ rây bột mịn, cho uống sống với nước đường hoặc trộn với đường đun chảy. Dùng cho trẻ em 2 tuổi trở lên, ngày 4 – 10g.

Chữa suy nhược cơ thể ở người có khí hư, đoản hơi

Sâm bố chính 12g, Liên nhục 20g, Toan táo nhân, Tâm sen, Sa sâm, mỗi vị 12g; Lá vông, Hương phụ, mỗi vị 10g; Câu kỷ tử 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa suy nhược cơ thể ở người có bệnh về tiêu hoá, sau khi ốm nặng hoặc lao động quá sức

Sâm bố chính 180g, Hoài sơn, Hạt sen, mỗi vị 80g, Bạch truật 40g, Binh lang 8g. Tán bột mịn, mỗi ngày uống 20g.

Chữa suy nhược thần kinh

Sâm bố chính 20g, Hoàng kỳ chích 12g, Đương quy, Bạch truật, Toan táo nhân, Long nhãn, Mộc hương, Bạch thược, Cúc hoa, mỗi vị 8g; Bạch linh, Viễn chí, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

Hoặc Sâm bố chính, Sinh địa, mỗi vị 20g; Hoàng cầm, Sài hồ, Đại táo, mỗi vị 12g; Đương quy, Bạch thược, mỗi vị 8g; Xuyên khung 6g; Cam thảo chích 4g. Sắc uống ngày một thang.

Thuốc bổ thận tráng dương, chữa thận suy yếu, kém dương sự

Sâm bố chính 1000g, Đậu đen (sao tồn tính) 1500g; Hoài sơn, Liên nhục, Cẩu tích, Lộc giác giao (đắp đất sét nung tồn tính), Tục đoạn, Ba kích (tẩm muối sao vàng), Liên tu, mỗi vị 1000g; Hoàng tinh 500g, Thỏ ty tử 200g. Các vị thuốc tán nhỏ hợp lại thành viên. Mỗi lần uống 8 – 12g, ngày 2 lần.

Thuốc bổ khí huyết

Sâm bố chính 30g; Hoài sơn, Đương quy, Ý dĩ sao mỗi vị 15g; Hồi đầu 12g. Làm viên với mật ong hay kẹo mạch nha, uống mỗi ngày 15 – 20g.

Chữa rối loạn kinh nguyệt

Sâm bố chính 16g; Cỏ nhọ nồi (sao vàng), Thục địa, mỗi vị 20g; Ngải cứu sao, Ích mẫu, mỗi vị 16g; Củ gai (cây gai làm bánh) 12g, Hương phụ (tứ chế) 10g. Sắc uống trong ngày.

Chữa suy nhược gầy rộc, háo khát, táo bón, đái són

Sâm bố chính nấu thành cao, hoà với Cao ban long uống.

Chữa động kinh

Sâm bố chính 20g, Ý dĩ 40g, Nam tam tinh (sao vàng), Trần bì, Toàn yết, mỗi vị 20g; Quế 4g. Tán thành bột mịn, ngày dùng 40g. Sau đó lấy Chu sa 1g cho vào tim lợn, hấp cách thuỷ, cho người bệnh ăn, mỗi ngày 3 lần, trong 3 tuần liền.

Tăng lực chữa kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi, nặng ngực, thiếu máu xanh xao

Sâm bố chính 120g, Hoàng tinh chế 80g; Tang ký sinh, Quả dâu, Thỏ ty tử sao, Hà thủ ô đỏ (chế), Đỗ trọng mỗi vị 40g; Huyết giác, Ba kích, Cao hổ cốt, mỗi vị 20g. Các vị sơ chế, ngâm 2 lít rượu trong hai ngày đêm rồi đem chưng cách thuỷ, hạ thổ một tuần. Mỗi lần uống 15 – 40ml, ngày 2 lần theo bữa ăn. Kiêng ăn đồ tanh sống, kích thích.

Sâm bố chỉnh 4
Sâm bố chính hỗ trợ điều trị chán ăn, đầy bụng khó tiêu

Nguồn Tham Khảo

  1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 813-815.

  2. Đỗ Huy Bích (2007). 1000 cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, tr. 690-693.

  3. Pham Thanh Huyen, Nguyen Quynh Nga, et al (2021). Study on Morphological and Microscopic Characteristics of Abelmoschus sagittifolius (Kurz) Merr. in Vietnam. VNU Journal of Science: Medical and Pharmaceutical Sciences; 37(2).

Bài viết liên quan

cây thanh táo
Thanh táo: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh
thanh bì
Thanh bì: Vị thuốc dân gian quen thuộc từ vỏ quýt xanh
Thăng ma - Cimicifuga foetida L. 1
Thăng ma: Loài dược liệu có nhiều công dụng

Filed Under: Dược Liệu

Bài viết trước: « Cây Sâm Ấn Độ: Dược liệu quý với nhiều tác dụng chữa bệnh
Bài viết tiếp theo: Sâm cao ly: Dược liệu quý có nguồn gốc từ Hàn Quốc »

Trả lời Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Primary Sidebar

Bài viết mới

  • Thanh táo: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh
  • Thanh bì: Vị thuốc dân gian quen thuộc từ vỏ quýt xanh
  • Thăng ma: Loài dược liệu có nhiều công dụng
  • Thài lài trắng: Vị thuốc Đông y có nhiều tác dụng chữa bệnh
  • Thạch tín: Loại khoáng vật rất độc
  • Thạch sùng: Dược liệu chứa nhiều công dụng chữa bệnh
  • Thạch quyết minh: Vị thuốc quý từ vỏ bào ngư của Việt Nam
  • Thạch lựu bì: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh
  • Thạch hộc: Dược liệu vừa làm thuốc vừa làm cây cảnh
  • Thạch cao: Khoáng chất chứa nhiều công dụng

Chuyên mục

  • Blog
  • Dược Liệu
  • Giải Ngố
  • Sản Phẩm
  • Thị Trường

Copyright © 2023 · Paradise on Genesis Framework · WordPress · Log in